Bác sĩ khoa nhi - Sử dụng thuốc kháng sinh như thế nào cho đúng?

  • Theo báo cáo mới đây của quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) viêm phổi và tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em

  • Đặc biệt tại khu vực châu Á Thái  Bình Dương (trong đó có Việt Nam), trong 5 triệu ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi thì 1/3 là viêm phổi và tiêu chảy.

    Nguyên nhân của tình trạng này, thứ nhất  là do trẻ không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, thứ hai là do tình trạng ô nhiễm môi trường, thứ ba là trẻ  đươc cha mẹ cho uống kháng sinh bừa bãi mà không thông qua bác sĩ gây ra tình trạng kháng thuốc nghiêm trọng. Bên cạnh đó do ô nhiễm môi trường cũng làm tăng thêm tình trạng vi khuẩn tự kháng thuốc do đột biến gien tự thân.

    Hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh là do người dân chưa am hiểu hoặc hiểu chưa hết vai trò của kháng sinh, những mặt có lợi và bất lợi do nó đem lại. Thêm vào đó, việc quản lý sử dụng kháng sinh hiện nay thiếu chặt chẽ, đồng bộ. 

    Khi nào thì dùng kháng sinh?

    Kháng sinh là chất có khả năng ức chế (không cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở) hoặc tiêu diệt vi khuẩn một cách đặc hiệu. Mỗi loại kháng sinh chỉ tác dụng lên từng vị trí khác nhau của vi khuẩn (màng tế bào, nhân tế bào, vách tế bào của vi khuẩn), loại vi trùng gram (+), gram (-), vi khuẩn nội bào, vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn lao, vi nấm hay kí sinh trùng. Do đó đứng trước bệnh nhân, người thầy thuốc phải khám kỹ lưỡng và có bằng chứng y khoa để sử dụng kháng sinh thích hợp với từng loại vi trùng gây bệnh. Bên cạnh đó, có thể dùng kháng sinh để phòng bệnh, ví dụ bệnh tiêu chảy do vi khuẩn tả, bệnh viêm màng não do Meningococus có khả năng gây thành đại dịch

    (ví dụ :trong những năm 2010-2011 tại Tp.HCM xuất hiện trở lại viêm màng não cấp tính do não mô cầu gây ra và lan rộng ở những vùng vệ sinh kém, môi trường ô nhiễm, sống chật chội). Và trong một số trường hợp đặc biệt khác người thầy thuốc có thể dùng kháng sinh để điều trị dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật do cuộc mổ kéo dài nhiều giờ.

    Dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bởi bệnh nhiễm trùng, chứ kháng sinh không phải là thuốc trị bách bệnh nên kháng sinh không dùng điều trị các loại bệnh không gây bởi vi trùng, do việc sử dụng kháng sinh bừa bãi cho nhiều bệnh nên càng ngày càng làm cho vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh.

    Ở Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy, một số loại vi khuẩn không những kháng lại thuốc kháng sinh thông dụng mà còn có khả năng kháng lại một số thuốc kháng sinh thế hệ mới. Đặc biệt, có những loại vi khuẩn cùng một lúc kháng nhiều thuốc kháng sinh như tụ cầu vàng (S.aureus), trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), vi khuẩn lao (M. tubeculosis)…

    Mặt khác, cùng một loại kháng sinh có tác dụng tốt với vi khuẩn này nhưng không có tác dụng hoặc tác dụng kém với vi khuẩn khác. Vì vậy, trước khi dùng kháng sinh phải xác định là bệnh đó có phải do vi khuẩn gây ra hay không, nếu có là vi khuẩn gì?

    Cần xác định nguyên nhân là vi trùng, kí sinh trùng, nấm…hoặc virus thì việc lựa chọn dùng kháng sinh mới chình xác

    Trong nhiễm khuẩn đường hô hấp (cả hô hấp trên và hô hấp dưới) có thể do vi khuẩn hoặc do vi nấm hoặc do virut gây nên. Theo một khảo sát mới đây của Bệnh viện Bạch Mai, đối với trẻ dưới 3 tuổi, có tới 90% nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm họng, viêm tai là do virut. Đó là chưa kể ho do dị ứng (với thời tiết thay đổi, do lạnh, do bụi…), ho do bệnh hen suyễn (với trẻ em gọi là hen phế quản) hoặc ho do tác dụng phụ của thuốc làm giảm huyết áp ví dụ nhóm thuốc ức chế men chuyển (coversyl, renitec, ednyt…). Do đó không nên thấy ho là dùng kháng sinh mà phải xác định nguyên nhân ho có do nhiễm vi khuẩn hay vi nấm không và nếu có là vi khuẩn gì. Bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh sẽ không bao giờ khỏi và như vậy kháng sinh lại bị oan ra là vô tác dụng khi chữa trị bệnh ho. 

    Trong nhiễm trùng đường ruột trẻ em, hầu hết là do virus, nên việc dùng kháng sinh phải cân nhắc rất kĩ vì ngoài việc kháng thuốc trẻ sẽ bị tiêu chảy nhiều hơn, tiêu chảy giả mạc, tiêu chảy đàm máu do những vi khuẩn thường trú trong ruột (vi khuẩn tốt) sẽ bị tiêu diệt gây ra loạn khuẩn ruột, mà quá trình điều trị loạn khuẩn ruột rất khó khăn, hậu quả là hệ tiêu hóa của trẻ sẽ trở nên yếu kém và thường xuyên bị rối loạn

    Để giảm các biến chứng viêm phổi nặng khi trẻ bị ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy nặng hơn, các bậc phụ huynh nên chăm sóc theo dõi, dùng các thuốc thông thường trong 1-2 ngày đầu nếu thấy không giảm hoặc nặng thêm thì đến ngay các cơ sở y tế để khám và dùng thuốc đúng cách, không nên tự ý uống thuốc mà không có sự kê toa từ bác sĩ

    Bác sĩ Hà